Đi phỏng vấn được chủ tịch yêu cầu “hãy rửa tay cho mẹ”, cô gái làm theo rồi được tuyển thẳng vào công ty với lý do bất ngờ
Khá bối rối và khó hiểu trước yêu cầu này, nhưng quyền quyết định cho cô vào làm hay không là nằm ở chủ tịch, cô không thể không nghe theo. Ngay sau đó, cô xin phép trở về nhà và bắt đầu thực hiện những gì được yêu cầu.
Một cô gái có học vấn xuất sắc đã xin vào làm giám đốc điều hành cấp cao của một công ty lớn. Tuy đã vượt qua nhiều cuộc phỏng vấn ở các cấp độ khác nhau nhưng yếu tố quyết định vẫn nằm ở cửa ải cuối cùng: Buổi gặp gỡ với chủ tịch tập đoàn. Hôm ấy, cô đến đã đến gặp ông, vị chủ tịch khả kính sau một hồi nhìn vào CV với loạt thành tích ưu tú của cô gái đã bắt đầu mở ra một cuộc trò chuyện thú vị.
Chủ tịch: “Bạn đã bao giờ nhận được học bổng ở trường chưa?”.
Cô gái: “Chưa ạ!”.
Chủ tịch: “Học phí có phải do bố bạn trả không?”.
Cô gái: “Cha tôi mất khi tôi 1 tuổi. Chính mẹ tôi đã trả tiền học phí cho tôi”.
Chủ tịch: “Vậy mẹ bạn làm công việc gì?”.
Cô gái: “Mẹ tôi giặt thuê quần áo cho người khác”.
Nghe xong câu trả lời này, vị chủ tịch ôn tồn bảo cô gái lại gần, ông nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay không chút tì vết của cô và hỏi tiếp: “Bạn đã giúp mẹ giặt quần áo chưa?”.
Cô gái đáp: “Dạ chưa, mẹ tôi luôn muốn tôi đọc nhiều hơn. Bên cạnh đó, mẹ tôi giặt quần áo nhanh hơn tôi rất nhiều, vì thế tôi không có cơ hội phụ giúp bà”.
Chủ tịch nói: “Tôi có một yêu cầu, hôm nay bạn về nhà, rửa tay cho mẹ và đến gặp tôi vào sáng mai”.
Khá bối rối và khó hiểu trước yêu cầu này, nhưng quyền quyết định nằm ở chủ tịch, cô gái không thể không nghe theo. Ngay sau đó, cô xin phép trở về nhà và bắt đầu thực hiện những gì được yêu cầu.
Ban đầu, cô gái khoe với mẹ về các cuộc phỏng vấn thuận lợi của mình, xong nói lên mong muốn “hôm nay con muốn rửa tay cho mẹ”. Người mẹ nhanh chóng chấp nhận. Cứ thế, hai mẹ con ngồi cạnh chậu nước, đứa con gái bắt đầu cầm lấy tay mẹ với tâm trạng vui vẻ và bắt đầu rửa.
Tuy nhiên, dần dần, những giọt nước mắt của cô gái đã rơi xuống. Cô phát hiện ra tay mẹ mình đã chai sạn nhăn nheo từ lúc nào và thậm chí còn có một vết thương còn chưa lành.
Lần đầu tiên, cô gái biết được mẹ mình đã khổ cực đến nhường nào để nuôi cô ăn học. Bà dùng đôi bàn tay đầy sẹo này mỗi ngày để giặt giũ từng bộ quần áo kiếm tiền và dùng số tiền ấy trả tiền học phí cho cô. Cái giá cho những thành tích xuất sắc của cô khi ngồi trên ghế giảng đường chính là đôi bàn tay này và những giọt mồ hôi của mẹ.
Sau khi rửa tay cho mẹ xong, cô giúp mẹ giặt hết phần quần áo còn lại mà không nói một lời. Đêm đó, mẹ con cô nói chuyện với nhau rất lâu. Sáng hôm sau, cô gái quay lại gặp vị chủ tịch.
Chủ tịch nhìn sâu vào đôi mắt còn sưng đỏ vì khóc của cô gái và hỏi: “Có thể cho tôi biết, hôm qua bạn đã làm gì khi về nhà?”.
Cô gái trả lời: “Sau khi tôi rửa tay cho mẹ, tôi đã giúp mẹ giặt phần còn lại của quần áo”.
Chủ tịch hỏi tiếp: “Xin vui lòng cho tôi biết, bạn cảm thấy thế nào?”.
Cô gái nói: “Đầu tiên, tôi đã hiểu thế nào là lòng biết ơn. Nếu không có mẹ thì tôi không thể được ngày hôm nay. Thứ hai, tôi biết mẹ mình đã cực khổ như thế nào để nuôi nấng tôi suốt những năm tháng qua. Thứ ba, tôi đã hiểu về giá trị của tình cảm gia đình”.
Sau câu trả lời trên, chủ tịch nhẹ nhàng đưa ra quyết định: “Thông qua việc rửa tay cho mẹ, tôi muốn nhắc nhở bạn về lòng biết ơn khi trải nghiệm công việc khó khăn của người khác. Tôi không muốn có một nhân viên làm leader mà chỉ biết coi tiền là mục tiêu duy nhất của cuộc sống. Chúc mừng, bạn đã được chấp nhận!”.
Sau khi được nhận vào làm, cô gái đã làm việc rất chăm chỉ và nhận được rất nhiều tình yêu của cấp dưới dành cho. Công ty cũng vì sự đóng góp này mà phát triển không ngừng…
Quả thật, câu chuyện này đã để lại một bài học to lớn với thông điệp:
Nếu một đứa trẻ được nuông chiều từ tấm bé, chẳng cần động tay động chân vào bất cứ việc gì, ăn uống tắm giặt đều có người cung phụng và không biết thế nào là nỗi cực khổ của bố mẹ thì chắc chắn đứa trẻ ấy lớn lên sẽ rất dễ hình thành tâm tính tiêu cực.
Mà người đã có tâm tính xấu dù học hành giỏi giang đến cỡ nào thì khi đi làm cũng chẳng có thành tựu gì lớn lao trong sự nghiệp. Bởi họ chỉ muốn kiểm soát cấp dưới, đấu đá tranh giành thiệt hơn với đồng nghiệp, từ đó khiến công ty rơi vào hỗn loạn với loạt thị phi không hồi kết, góp phần kiềm hãm sự phát triển.
Trái lại, một đứa trẻ biết thế nào là cực khổ, biết lao động từ tấm bé, biết ơn bố mẹ thì khi lớn lên sẽ hiểu đời hơn. Khi đi làm luôn kính trên nhường dưới, đối nhân xử thế khéo léo với mọi người xung quanh, góp phần giúp tập thể đoàn kết để ra sức cống hiến hết mình cho công ty.
Vậy nên lời khuyên đưa ra lúc này đây không chỉ dành cho dân công sở mà còn dành cho toàn thể quý phụ huynh rằng: Hãy dạy cho con trẻ tự thân vận động ngay từ bé như tự rửa bát khi ăn xong, nhổ cỏ ngoài vườn đến đổ mồ hôi dưới ánh nắng mặt trời,… qua đây chúng sẽ biết thế nào là cực khổ để từ đó quý trọng hơn những gì mình đang có.
Những đứa trẻ này khi lớn lên chắc chắn sẽ thành công, ít nhất là thành công trong việc làm người. “Không thành nhân thì chưa thành tài” – câu nói này cổ nhân dạy cấm có sai!
(Nguồn: Secret China)